Những vấn đề về Bị cô lập bởi nhà chồng
Xem thêm Ảnh và video clip về tại đây
Là thạc sĩ kinh tế, có thu nhập cao, chồng thành đạt, con ngoan nhưng chị Liên luôn thấy cuộc sống vô nghĩa. Bố mẹ chồng và chồng chỉ biết đến tiền, khiến chị có cảm giác cô đơn trong chính ngôi biệt thự nhà chồng.
Chị Liên (Linh Đàm, Hà Nội), đã kết hôn được 6 năm sau gần hai năm yêu nhau. Chồng chị làm trong một doanh nghiệp nhà nước với chức vụ khá cao. Bố mẹ chồng cũng từng là quan chức, đã nghỉ hưu. Gia đình chồng chị coi tiền bạc, công danh là quan trọng nhất. Trong gia đình, chẳng thấy ai quan tâm đến ai. Chị luôn bị mẹ chồng chê là kém cỏi và vô dụng.
Ngày chị có bầu, cả gia đình, từ bố mẹ đến chồng, em chồng không ai hỏi han một câu chứ chưa nói tới chăm sóc, quan tâm gì. Một lần đi mua đồ trong siêu thị, được mọi người nhường cho thanh toán trước với lý do "đang bầu bí", chị càng tủi thân khi nghĩ ở nhà chưa thấy ai ưu tiên gì cho mình bao giờ, từ làm việc nhà đến ăn uống, nghỉ ngơi.
Chồng chị chỉ mải mê thăng quan tiến chức, cũng chẳng quan tâm gì đến vợ. Đi làm về, nghe mẹ kể xấu vợ, anh lại quay ra trách móc, chì chiết chị. Những hôm gặp chuyện bực mình ở cơ quan, anh cũng về nhà trút hết lên đầu vợ. Chị Liên luôn buồn rầu, nằm mơ ác mộng, cảm thấy nhà mình như địa ngục. Những việc này cứ lặp lại suốt 6 năm và biến chị thành một người u sầu, trầm uất.
Nghiêm trọng hơn chị Liên, chị Phượng, 28 tuổi (Bắc Ninh) cũng thường xuyên bị mất ngủ, mệt mỏi và từng vài lần định tự sát. Chị bị gia đình chồng hắt hủi chỉ vì "tội" vô sinh. Sau đám cưới vài tháng thấy chị chưa có gì mẹ chồng đã nói ra nói vào. Tiếp đó, khi 2 năm vẫn chưa có thai, anh chị đi khám và biết nguyên do tại chị. Lúc này, chị càng bị mẹ chồng xỉa xói, ghét bỏ. Bà còn bảo chắc tại ngày trước chị chơi bời hay làm điều thất đức nên mới chịu hậu quả rồi xui con trai bỏ vợ.
Chị cố chịu đựng, chỉ cần được chồng tin tưởng và yêu thương. Thế nhưng, chán nản vì chữa chạy chẳng kết quả, lại nghe lời mẹ đặt điều cho vợ, anh cũng chẳng quan tâm gì đến chị nhưng vẫn không chịu ly dị vì sợ điều tiếng.
Nhà mẹ đẻ quá xa, bạn bè cũng không dám chia sẻ, chị Phượng luôn thấy chán nản, đau khổ và muốn kết thúc cuộc sống của mình. Rất may, chị đã được một người thân phát hiện và đưa đi tư vấn.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na (phố Vọng, Hà Nội) cho biết, phòng khám đã trị liệu cho rất nhiều phụ nữ rối loạn tâm lý khi bị cô lập trong gia đình chồng. Có những ngày, bác sĩ đón nhận 4-5 trường hợp như vậy. Và đa số lại là những cô gái trẻ, có học thức, văn hóa. Rất nhiều người trong số họ còn là trụ cột về kinh tế nhưng vẫn bị gia đình chồng xem thường.
Những người này thường là mẫu phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu. Họ có ý thức về giá trị bản thân nhưng lại không dám bảo vệ mình. Họ cố gắng chấp nhận hoàn cảnh vì sợ dư luận biết, sợ ảnh hưởng đến bố mẹ, anh em ruột hay lo con cái khổ khi gia đình đổ vỡ... Thường, họ đã phải chịu đựng hoàn cảnh sống ngột ngạt đó trong một khoảng thời gian dài trước khi tìm sự trợ giúp
Chị Mỹ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, một trường hợp mới đây nhất rất điển hình cho điều này.
Là nhân viên ngân hàng, rất thông minh, năng động, chị Mỹ có thu nhập khá cao. Gia đình chồng chị phức tạp, bố mẹ chồng mê lô đề, chồng chị quen được nuông chiều, chê công việc đang làm vất vả nên chỉ đi chơi bời, tụ tập. Dù là lao động chính nuôi cả nhà nhưng chị Mỹ vẫn chẳng được bố mẹ chồng coi trọng.
Bà mẹ chồng hay đi nói xấu con dâu với hàng xóm, bố chồng chỉ nói tử tế với chị khi cần tiền. Chồng chị thì chẳng quan tâm đến cảm xúc của vợ, lại hay ghen bóng, ghen gió. Đến cơ quan, chị Mỹ vẫn tươi cười, hăng hái, nhưng về đến nhà, chị lại cảm thấy nặng nề và buồn chán. Thế nhưng, vì cô con gái 3 tuổi, chị vẫn cố chịu vì không muốn gia đình tan đàn xẻ nghé.
Tối 30 Tết năm ngoái, bố chồng chị muốn con dâu đưa tiền để trả nợ chơi lô đề. Số tiền quá lớn, chị không đáp ứng được, liền bị ông chửi mắng, vứt hết quần áo ra ngoài đường rồi đuổi đi. Chị cứ lang thang suốt đêm, không dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ các cụ lo lắng cho mình rồi mang tiếng với hàng xóm. Cuối cùng, nghĩ tới con, chị lại quay về nhà chồng, chấp nhận bị chửi rủa, mạt sát.
Từ đó đến nay, chị luôn sống trong tâm trạng u uất, thất thần, chểnh mảng trong công việc. Tuần trước, cảm thấy không thể chịu đựng thêm nữa, chị đã tìm tới bác sĩ tâm lý.
Theo bà Bưởi, gia đình được coi là tổ ấm, nơi mọi thành viên muốn cảm thấy được yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Với người phụ nữ, nhu cầu này càng lớn và với họ, không gì tồi tệ bằng cảm giác bị bỏ rơi, cô lập ngay trong gia đình mình. Nếu tình trạng này cứ kéo dài mà người phụ nữ không biết cách tự giải thoát, đương đầu với vấn đề thì họ rất dễ bị trầm cảm, không còn niềm tin vào cuộc sống.
Theo bà, trong cuộc sống gia đình, kể cả nhà chồng, để tạo được sự đầm ấm, gắn bó, không chỉ người phụ nữ, nàng dâu mà mọi thành viên đều phải cởi mở, chia sẻ và quan tâm đến nhau. Người phụ nữ đúng là nên nhún nhường, chân thành với nhà chồng nhưng cũng cần biết tự tạo cho mình một cuộc sống với công việc, niềm vui riêng. Còn khi hoàn cảnh đã không thể thay đổi, không thể chấp nhận được, chị em phải biết tự bảo vệ giá trị của mình bởi ai cũng đáng được trân trọng và đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. Bạn cũng nên chia sẻ với bạn bè, người thân để được giúp đỡ.
Theo vnexpress.net
Xem thêm Ảnh và video clip tại đây
Mời các bạn tham gia thảo luận về chủ đề "Bị cô lập bởi nhà chồng " trên Diễn Đàn

0 nhận xét to "Bị cô lập bởi nhà chồng"