Những vấn đề về Làm vợ chồng, làm cha mẹ không đơn giản!
Xem thêm Ảnh và video clip về tại đây
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay rất chú ý giáo dục con về lòng nhân ái, san sẻ yêu thương; như một cách xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong ảnh: bé Phương Uyên (giữa) được ba má đưa đến báo TS đóng góp từ thiện - Ảnh: M.C. |
Rắc rối từ quê ra phố
Một cô vợ trẻ khác thì luôn “tức” mẹ chồng, lý do là bà hay rót vào tai con dâu những mẩu chuyện về... cô này, cô nọ ngày xưa của anh ấy. Có lúc làm như vô tình, bà nói: “Số phận làm sao ấy chứ con tôi nhiều cô mê lắm”. “Nghe mà muốn phát điên” - cô vợ kết luận.
Mẹ chồng khiến lắm con dâu chưa hài lòng; nhưng lắm con dâu lại “đối sách” với mẹ chồng rất... quái chiêu, khiến người ở giữa là ông chồng luôn cảm thấy buồn phiền, cuộc sống trở thành địa ngục. Cuối cùng, người phá bĩnh lại là chính ông chồng. Trên một diễn đàn, một chị lo lắng: “Tôi phải ứng xử sao cho vừa lòng chồng? Tôi rất ức khi chồng luôn so sánh: sao em không khéo như chị anh; sao em không giống như mẹ anh...”.
Ông Nguyễn Văn Tiên (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết qua khảo sát thực tế, đang và đã có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống gia đình. Tại Thanh Hóa, một gia đình đã nhốt và châm lửa đốt... con dâu vì nghi ngờ con dâu ngoại tình.
Tại Lào Cai, một ông chồng là thanh tra suốt ngày đánh đập chị vợ là giáo viên THPT. Tại ĐBSCL, rất nhiều thanh niên nam nữ tự tử chỉ vì lý do cha mẹ la rầy... “Bạo lực và những rắc rối không chỉ xảy ra ở gia đình nông thôn, học vấn thấp, mà ở cả những gia đình trí thức, học vấn cao và kinh tế khá giả” - ông Tiên nói.
Khảo sát năm năm gần đây, tòa án các địa phương đã thụ lý trên 186.000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Làm sao để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc là điều rất cần phải... học. Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất của bộ luật về phòng chống bạo lực gia đình (dự kiến sẽ được trình Quốc hội tháng mười tới) là giáo dục, tư vấn trước hôn nhân, về cả những hạnh phúc và... rắc rối sẽ có, không chỉ cho các nam thanh nữ tú chuẩn bị kết hôn mà cho cả người sắp làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ. |
Đang chuẩn bị thực hiện một cuộc khảo sát về thực trạng, nhu cầu... giáo dục trước hôn nhân, ông Đinh Văn Quảng - phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em) - ví von: “Luật pháp qui định đi xe máy phải cần bằng lái. Vậy mà chuẩn bị việc trao thân gửi phận, chung sống cả cuộc đời dài dằng dặc cho hai con người lại chẳng cần... bằng cấp gì”.
“Bằng cấp trước hôn nhân”? Ông Đinh Văn Quảng nói: đó chẳng phải điều gì xa lạ mà gắn bó với cuộc sống của chúng ta, vì thế nhiều người cho là... chuyện nhỏ, chuyện bình thường, tự nhiên, không cần phải học.
“Cuộc sống hôn nhân rất cần các kiến thức về tình yêu, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, quan hệ ứng xử trong gia đình, làm kinh tế, các tình huống, những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống gia đình... Thậm chí làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ như thế nào cho tốt cũng rất cần được tư vấn, giáo dục” - ông Quảng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, điều quan trọng trong giáo dục tiền hôn nhân là kỹ năng sống cá nhân và kỹ năng sống trong môi trường gia đình. “Sống trong gia đình, mỗi người cần nín nhịn một chút chứ không chỉ bắt người phụ nữ phải nín nhịn. Rồi các kiến thức như kỹ năng đàm phán, làm thế nào để hòa hợp với gia đình mới... cũng rất cần phải học tập” - ông Tiên nói.
Ông Đinh Văn Quảng cho biết thêm: các lớp học làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ... có thể sẽ được tổ chức theo mô hình câu lạc bộ. Người chuẩn bị kết hôn, chuẩn bị làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ... sẽ là những người được ưu tiên, trong đó các chuyên gia tư vấn tâm lý khẳng định: con cái luôn mong muốn cha mẹ công bằng, là tấm gương cho con cháu; còn cha mẹ luôn mong muốn con cái thành đạt, biết ứng xử và thương yêu nhau. Làm sao để đạt được những mong muốn này? Đó chính là điều các câu lạc bộ tiền hôn nhân phải đạt được.
0 nhận xét to "Làm vợ chồng, làm cha mẹ không đơn giản!"