Những vấn đề về Thất vọng khi lấy chồng tây
Xem thêm Ảnh và video clip về tại đây
Chồng Tây, vợ Việt đang là chọn lựa của nhiều cô gái trẻ. Tuy nhiên, sự lựa chọn này đôi khi phải gánh chịu những hệ lụy đáng tiếc.
Chị bạn gọi điện cho tôi, giọng đứt quãng: “Em rảnh không? Chị nói chuyện với em được không?”. Tôi bảo để tôi đến chỗ chị, rồi vội lấy xe đi ngay. Thật ngạc nhiên khi chỉ có mấy tháng không gặp mà Mỹ Loan, bạn tôi, đã gầy sút đi; sắc mặt nhợt nhạt, tiều tụy.
Mọi thứ đều phải “cưa đôi”
Đã từng đổ vỡ trong hôn nhân nhưng Mỹ Loan (kế toán Công ty AQ, quận 3 - TPHCM) khá xinh đẹp lại có việc làm ổn định nên được nhiều người theo đuổi. Tuy nhiên, do dấu ấn không mấy tốt đẹp của mối tình đầu nên chị nhận xét: Đàn ông Việt rất ích kỷ, nhỏ nhen, thích hưởng thụ… Vậy nên mục tiêu mà chị hướng đến cho “tập hai” của mình là một anh “Tây thứ thiệt”. Cuối cùng, chị cũng được toại nguyện.
Vậy mà chỉ có mấy tháng, gặp tôi, chị đã khóc như mưa. Khóc đã đời rồi chị bắt đầu kể: “Suy nghĩ, cách sống và ngôn ngữ khác nhau khiến bọn chị không thể hòa hợp được, mặc dù chị đã tìm mọi cách để hiểu chồng như học tiếng Anh, tìm hiểu qua sách báo, internet về lối sống phương Tây… Nhưng mọi việc thật tệ em ạ. Mỗi lần cãi nhau, anh ta xách ba lô ra khỏi nhà một cách tự nhiên. Nếu sống bên Tây, đó là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam thì bà con, hàng xóm dị nghị…”.
Trước đây, với chồng cũ, có những việc không hài lòng, chị có thể nói chuyện thẳng thắn nên cũng thấy dễ chịu trong lòng. Còn với anh Tây này thì đành chịu vì không thể “chửi” được. Chị ấm ức: “Tưởng có chồng Tây được sướng tấm thân, nào ngờ…”. Anh chồng Tây của Mỹ Loan rất rạch ròi trong chuyện chi tiêu tiền bạc. Tiền ăn, tiền nhà, chi phí sinh hoạt… tất thảy mọi thứ đều phải “cưa đôi”. Chồng đi đâu, làm gì, vợ không được phép hỏi; tiền lương của chồng bao nhiêu càng không được đụng đến. Chuyện thăm hỏi, quà cáp cho cha mẹ, anh chị, họ hàng bên vợ thì tuyệt nhiên không có… Kể xong, chị thở dài: “Biết vậy, không lấy làm gì”.
Hụt hẫng
Còn Thanh Ngọc, hàng xóm của tôi, cũng đã từng có một mối tình sinh viên rất đẹp. Tuy nhiên, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy người đứng tên chung trong thiệp cưới của Ngọc lại là một anh chàng ngoại quốc quê tận bên Hoa Kỳ! Ngọc tâm sự: “Quyết định của mình hơi vội nhưng hy vọng mình sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống và giúp đỡ gia đình chứ đi làm lương ba cọc ba đồng, biết chừng nào khá nổi!”. Với suy nghĩ này, Ngọc đã nhanh chóng sánh bước cùng chàng Tây ba lô sau thời gian gặp gỡ chưa bao lâu. Gia đình can ngăn không được đành phải chấp nhận.
Lấy chồng rồi, hằng tháng, Ngọc được chồng “chu cấp” từ 3 triệu đến 4 triệu đồng. Nếu có kì kèo thì cô cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của chồng kèm câu nói dễ thương: “Em cũng đi làm mà…”. Ngọc đành ngậm bồ hòn. Trước khi cưới, anh ta hứa hẹn sẽ dẫn Ngọc đi du lịch “khắp thế giới” và làm thủ tục để đưa cô qua Mỹ sinh sống. Cưới xong, Ngọc và gia đình sốt ruột lo giấy tờ trong khi anh ta cứ thản nhiên như không. Ngọc chua chát: “Anh ta ăn ở nhà ba mẹ mình; số tiền ấy coi như là đóng tiền nhà và tiền ăn; anh ta còn lãi tiền được ngủ với vợ! Riết rồi mình cũng không thèm nhắc đến việc làm giấy tờ xuất cảnh. Trong khi đó, mỗi khi vợ chồng cãi cọ, anh ta lại chì chiết “tôi biết cô cũng đâu thương yêu gì tôi mà chỉ mong cưới tôi để được ra nước ngoài định cư”.
Không nên vụ lợi trong tình yêu
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Thu Mai (Trung tâm Tư vấn Gia đình Việt) cho biết đa phần các cuộc hôn nhân vợ Việt, chồng Tây đến trung tâm tư vấn thì có đến 7/10 phụ nữ cho biết lý do lấy chồng Tây là vì muốn ra nước ngoài sinh sống, hy vọng về một thiên đường ở nước ngoài.
Ngược lại, các chàng trai Tây thì thường thích hình ảnh cô gái Việt Nam dịu dàng, thùy mị, đảm đang. Hai mục đích khác nhau đã dẫn đến hôn nhân không trọn vẹn. Các bạn nữ phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt khi quyết định trao gửi cuộc đời mình. Đành rằng tình yêu không phân biệt tuổi tác, màu da, chủng tộc… nhưng nếu vụ lợi trong tình yêu thì sẽ không thể tìm thấy hạnh phúc.
Xem thêm Ảnh và video clip tại đây
0 nhận xét to "Thất vọng khi lấy chồng tây"