Những vấn đề về Bi kịch mẹ quê dâu phố
Xem thêm Ảnh và video clip về tại đây
Đã gần 4h sáng rồi mà bà vẫn chưa ngủ được, không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Bà tự hỏi ngày mai có nên ở lại?
Ngày nay, không phải mẹ chồng - con dâu nào cũng đồng quan điểm về việc chăm sóc em bé. Ảnh minh họa |
Nhận được tin con dâu sinh cháu, bà vội vàng khăn gói lên thành phố. Bà đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ lâu: bán hết đàn lợn, đàn gà và hai con chó; chuẩn bị các loại thuốc, lá uống mà ở quê bà từ xưa tới nay người ta thường dùng khi nằm cữ...
Những ngày con dâu sắp trở dạ, ruột gan bà không lúc nào yên. Thằng con trai đi công tác, vợ nó không biết xoay xở ra sao. Mấy lần bà có ý ra chăm, nhưng con dâu cứ bảo chưa cần thiết. Giờ biết mẹ tròn con vuông rồi mà bà vẫn chưa yên. Đợt này ra chắc bà sẽ ở lại lâu, sẽ chăm sóc cháu tới khi đi học mẫu giáo cũng nên.
Con trai duy nhất của bà lên thành phố học đại học, ra trường ở lại TP công tác và lấy vợ. Vợ anh cũng là con gái cưng, bố mẹ giàu có. Hai đứa lấy nhau mới hơn một năm nên mẹ và con dâu chưa trò chuyện được nhiều, ra chăm cháu cũng là dịp để mẹ con gần gũi, bà nghĩ vậy.
“Bà phải tắm cho sạch hết bụi đường đi, chỉ rửa ráy thế chưa được đâu”, cô con dâu nói vội khi thấy bà đang định quàng tay đón đứa cháu đang nằm như một thiên thần trong lòng bà ngoại nó. “Ừ, mẹ mừng quá đâm ra lẩm cẩm”, bà cười xí xóa.
Vừa ôm ấp thằng bé được mấy phút thì cô con dâu đã vội: “Ấy, mẹ thơm thế được rồi, cháu vừa sinh, hệ miễn dịch còn yếu, với lại đừng bế nhiều, cháu sẽ quen, sau này không ai bế cho”. Vừa bước ra khỏi phòng, bà nghĩ “con dâu biết giữ như thế là tốt cho cháu mình”.
“Trời ơi, mẹ cho con uống cái thứ nước gì thế này, kinh quá đi mất”, cô con dâu nhăn nhó. “Đây là một loại lá rất tốt dành cho sản phụ, uống vào sẽ “chín bụng”, sau này con tránh được đau bụng. Con cứ chịu khó uống đi” - bà nhẹ nhàng giải thích và thuyết phục cô con dâu uống.
Nhưng cô chỉ nhấp một chút rồi nguầy nguậy lắc đầu: “Mẹ cất đấy hôm nào mang về quê ai dùng thì dùng, con không quen. Hơn nữa bà ngoại cháu đã mua cho con một đống thuốc kia kìa, đã kịp dùng đến đâu”.
Thế là công sá bao nhiêu ngày đi kiếm, phơi sấy và cất giữ chẳng được con dâu dùng đến, mình đúng là lạc hậu thật, ở thành phố hiện đại này ai lại đi dùng thứ này!
Tưởng lên đây để ẵm, ôm ru cháu, làm mọi việc cho mẹ nó được nghỉ ngơi, hồi sức, nào ngờ đêm đầu tiên bà sui đã sắp cho bà một chỗ ngủ ở ngoài phòng khách với những lời thật không trách vào đâu được: “Bà nằm đây cho yên giấc kẻo cháu nó quấy lại mệt, người già mình giờ khó ngủ cả”. Chỗ nằm ở phòng khách sạch sẽ, yên tĩnh và đầy đủ chăn ấm nệm êm, nhưng sao bà thấy xa lạ đến vậy.
“Bà không phải làm gì đâu, tôi quen việc hơn lại ở gần đây, thỉnh thoảng tạt qua. Bà thích đi ngắm phố hay đi thăm bà con, để tôi bảo người dẫn đi. Nếu không, bà cứ bật tivi mà xem, nhiều kênh hay lắm đấy”, bà sui thay lời con dâu khi bà ngỏ ý từ nay mình sẽ đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho hai mẹ con.
Suốt ngày hôm sau và hôm sau nữa, bà đi đi lại lại trong nhà. Việc bà có thể làm là nhặt mớ rau (chỉ nhặt chứ không được rửa) và quét đi quét lại cái nhà. Quần áo hai mẹ con thì đã có người giúp việc đến giặt mỗi ngày rồi. Muốn ôm ấp cháu lắm, nhưng cũng chỉ dám đứng bên cạnh giường ngắm vì con dâu và bà ngoại nó lúc nào cũng giữ rịt với lý lẽ cháu còn bé chưa được tiếp xúc nhiều, lỡ lây bệnh thì khổ.
Bà thấy thời gian trôi qua thật nặng nề, buồn bã. Cô con dâu lấy cớ mệt, mới sinh, hạn chế nói nên hai mẹ con cũng không chuyện trò với nhau nhiều. Cảm giác hớn hở của ngày ra đi giờ tan biến. Bà biết mình là người nông thôn, có nhiều cái lạc hậu, nhưng chẳng lẽ đến mức không tạo được một sự tin tưởng gì cho con dâu? Cháu mình đấy mà cứ như người lạ. Hễ định làm gì là lại “ấy, mẹ đừng...”.
Đã gần 4g sáng rồi mà bà vẫn chưa ngủ được, không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Bà tự hỏi ngày mai có nên ở lại?
Theo Phụ Nữ
Xem thêm Ảnh và video clip tại đây
0 nhận xét to "Bi kịch mẹ quê dâu phố"