Những vấn đề về Chỉ muốn có một nửa ông chồng
Xem thêm Ảnh và video clip về tại đây
“Đói lòng ăn nửa trái sim?”
Vì sao chỉ cần một nửa? Với Linh, cuộc hôn nhân đã qua vẫn còn để lại nhiều ám ảnh nặng nề. Linh kể: “Thời con gái mình đi làm về có sẵn cơm ăn. Ăn xong thích thì giúp mẹ rửa chén, hôm nào mệt thì thôi. Có chồng rồi, chiều phải quáng quàng chạy về, lao vào bếp nấu cơm với mẹ chồng. Chờ cả nhà chồng ăn xong mới dọn dẹp. Lên phòng riêng lại phải lo cho chồng, cho con mình. Chồng thì chỉ xem tivi, đọc báo. Mình mà nhờ giúp cái gì là mẹ chồng nhăn nhó, em chồng nhún vai. Tưởng ra riêng sẽ đỡ khổ hơn, ai ngờ chồng lại đi bù khú với bạn bè, việc nhà cũng chỉ mình gánh vác. Đã vậy, chồng mình còn có bồ bịch bên ngoài. Anh ấy khẳng định: “Chỉ là bạn cho vui thôi”, nhưng lại thường xuyên dành thời gian đi uống cà phê, ăn sáng, ăn trưa cùng cô ấy. Mình nghĩ: Vậy là cô ấy đã chia hết của mình một nửa ông chồng rồi, mà lại lấy đi cái phần hay ho nhất nữa. Vậy nên ly hôn! Từ “kinh nghiệm” đó, giờ mình chỉ muốn có một nửa ông chồng thôi!”.
Tưởng Linh là “chim sợ cành cong”, không dám lập gia đình thêm lần nữa nhưng Lan Anh, đang làm phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty xây dựng, đã có người yêu bảy năm rồi, cũng chưa muốn cưới. Hỏi lý do, Lan Anh phân bua: “Đi làm về đã rất mệt, có lúc chẳng còn muốn nói chuyện với ai. Thấy bạn bè có gia đình, phải gánh đủ thứ trách nhiệm nặng nề, em ngán ngẩm quá. Yêu thì cứ yêu, cà phê, du lịch, chia sẻ vui buồn thoải mái, xong rồi ai về nhà nấy, vậy mà em thấy thoải mái hơn. Kể ra như vậy là em cũng đang có… một nửa ông chồng đấy!”. Hỏi Lan Anh không sợ mất người yêu sao? Cô chỉ cười: “Cưới rồi chưa chắc đã giữ được. Thôi thì mất ông này mình kiếm ông khác. Cưới làm chi nguyên một ông chồng. Mệt lắm!”.
Chị Kim là chị bà con của tôi, đã chia tay chồng hơn 10 năm. Hai năm nay, chị cặp bồ với một ông thầu xây dựng đã có vợ con ở tỉnh, dù đang vài người cũng muốn “rổ rá cạp lại” với chị. Gia đình giận, không thèm nói đến việc của chị. Chị cáu lên: “Tôi chỉ có lỗi với vợ con ông ấy thôi, còn không có lỗi với ai nữa hết! Xét cho cùng, tôi đâu có giành hết ông ấy cho tôi? Tôi chỉ muốn có người để tâm sự, đi chơi. Vợ ông ấy ở quê xa, ông ấy cũng cần người chia sẻ. Chúng tôi bù đắp cho nhau những gì cả hai đang thiếu, chẳng ai muốn sở hữu ai hết”.
Hôn nhân không truyền thống
Cả ba người phụ nữ kể trên đều không bồng bột sống thử như tuổi mới lớn, cũng không lừa lọc, giả dối trong tình cảm. Họ bày tỏ rất thật nhu cầu mình đang cần và người kia cũng thấy hợp lý, đồng tình.
Hôm Linh đi mổ ruột thừa, Khải lo lắng chăm sóc và cả đưa đón con Linh đi học. Lúc mẹ Lan Anh bị bệnh nặng cần gấp máu để cấp cứu, bạn trai cô sẵn sàng cho máu trực tiếp. Chị Kim bị mất xe, anh bạn thầu xây dựng tặng luôn một chiếc xe mới để đi làm. Tuy không ràng buộc về pháp lý hay quan hệ gia đình nhưng họ vẫn sống khá tình nghĩa và chân thật với nhau.
Tuy nhiên, nhiều người đã lên án kiểu sống “già nhân ngãi non vợ chồng” của họ. Có người còn cho rằng, sống như thế chỉ đàn ông có lợi, phụ nữ thì đang bị lợi dụng vì có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào, khi người đàn ông đã no xôi chán chè. Chưa kể đến ngày hương sắc tàn phai thì liệu có ma nào còn ở lại bên mình để chăm sóc?
Với những lời ra tiếng vào ấy, các chị thẳng thắn phản bác. Linh nói: “Tôi chỉ biết hiện tại tôi đang hạnh phúc và thoải mái trong cuộc sống. Tôi không ràng buộc anh ấy. Chúng tôi tự nguyện gắn bó. Vì thế, tôi loại trừ được cảm giác ghen tuông hay nghi ngờ, vì đã thỏa thuận là yêu thương và tôn trọng nhau. Khi một trong hai cần ra đi bất kỳ lúc nào, người kia sẽ không giữ lại. Mà hình như do thỏa thuận như thế nên cả hai đều thấy dễ chịu, chẳng ai dại gì ra đi khi luôn vui vẻ thế này”.
Đôi cũng thấp thoáng ý nghĩ kết hôn nhưng Lan Anh lại nghĩ: “Nhiều người phụ nữ có chồng hẳn hoi mà lúc ốm đau, hoạn nạn, là lúc cần ông chồng nhất, thì ông chồng lại… biến mất! Trong khi tôi với anh rất vui, rất tự do và rất quan tâm, chăm sóc nhau, như vậy không quá đủ cho một cuộc sống nghĩa tình sao mà phải kết hôn? Nếu anh ấy bỏ tôi khi tôi gặp bất hạnh, thì giả sử anh ấy có là chồng tôi liệu tôi có giữ được không?”.
Chị Kim càng vô tư: “Sống vầy mới vui. Khỏi nấu cơm, khỏi giặt quần áo, khỏi hầu hạ ai. Chỉ chia nhau những vui buồn trong cuộc sống cho đời thú vị hơn thôi. Mình chỉ có một nửa… ông chồng, thì lấy cái nửa hạnh phúc và sung sướng, còn nửa kia để ổng… tự xử!”.
Với câu hỏi lỡ mai già không ai kề cận chia sẻ vui buồn… các chị đều cười: “Đâu phải có nguyên ông chồng thì sẽ được sớm hôm kề cận, an ủi lúc tuổi già? Điều đó do hên xui thôi!”.
Thật tình chẳng biết ai đúng, ai sai, nhưng hình như… vì bao nhiêu gánh nặng từ xã hội cho đến gia đình cứ dồn lên vai người phụ nữ nên đã tạo sức ép, khiến nhiều người có cảm giác sợ hôn nhân.
Theo PNO
0 nhận xét to "Chỉ muốn có một nửa ông chồng"